Trả lại tên cho sông

(TN&MT) - Ô nhiễm các dòng sông Tô Lịch, sông Đáy, sông Nhuệ… chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Trên thực tế, chỉ tên gọi là không thay đổi, còn về bản chất, những con sông này đang dần trở thành những chiếc cống đại trong lòng thành phố nếu mức độ ô nhiễm và thu hẹp dòng chảy vẫn tiếp tục tăng. Mới đây, Hội nghị lần thứ IX (khóa XVII) Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội thêm một lần đặt ra yêu cầu cấp bách hồi sinh các dòng sông. Và người dân lại tiếp tục nuôi hy vọng.

 

Nước đen đặc, lờ đờ chảy, bốc mùi hôi thối, rác bủa vây,… là tình trạng chung của các con sông trên địa bàn Hà Nội. Nhiều thời điểm, ô nhiễm đến mức nước sông chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ giao thông thủy chứ không thể tưới tiêu, trồng trọt, càng không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân khu vực các con sông chảy qua.

nguoi-dan-mong-muon-thanh-pho-som-giai-quyet-dut-diem-tinh-trang-o-nhiem-song-nhue-song-day.-anh-p.long.jpg

Người dân mong muốn thành phố sớm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy. Ảnh P.Long

Những gì mắt thường quan sát được chỉ là một phần của ô nhiễm, trầm trọng hơn, ô nhiễm dòng chảy khiến lượng khí mê-tan, khí sun-phua bốc lên đậm đặc, là cơ hội phát sinh bệnh tật, là tác nhân giảm sức đề kháng của con người.

Theo một số khảo sát gần đây, 80% nước thải đô thị chưa qua xử lý đang xả thẳng ra sông. Trong số 4 con sông chảy trên địa phận Thủ đô, Tô Lịch từ lâu được biết đến là con sông có mức độ ô nhiễm nặng nề nhất. Chỉ với 14,6km nhưng nó phải gánh hơn 300 cống xả của 6 quận, huyện với hơn 150.000 khối nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý mỗi ngày. Sông Nhuệ, đoạn thuộc TP. Hà Nội dài hơn 63km cũng trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy chịu khoảng 2.500 nguồn thải (gồm nước thải sinh hoạt, nước thải do phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và nước thải y tế). Hầu hết, đều xả trực tiếp ra sông.

song-day-doan-chay-qua-quan-ha-dong-ha-noi.-anh-hung-thap.jpg

Sông Đáy đoạn chảy qua quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh Hùng Thập

Thế nhưng, 8 nhà máy xử lý nước thải tập trung của Hà Nội chỉ đang đáp ứng khoảng 35% yêu cầu. Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000m3/ngày - đêm cũng đang trong giai đoạn gấp rút đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, làm sống lại các con sông không chỉ đơn thuần trông chờ vào các nhà máy thu gom, xử lý nước thải tập trung. Thay vào đó, nên thu gom và xử lý phân tán dọc đường thoát nước hai bên bờ sông, giao trách nhiệm phối kết hợp và quản lý trực tiếp cho các địa phương. Việc này sẽ cho kết quả rõ ràng hơn, hiệu quả và tiết kiệm hơn, lợi ích hơn so với giải pháp đưa về các nhà máy xử lý tập trung. Với các nhà máy xử lý nước thải tập trung sẵn có, nên chăng, cần chuyển đổi công năng, nâng cao năng lực để nâng chất lượng nước sau xử lý, đảm bảo tái sử dụng trong điều kiện nguồn nước mặt phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu ngày càng khan hiếm.

“Nhất cận thị, nhì cận sông” - vế sau của câu thành ngữ ấy giờ không còn ứng nghiệm, ít nhất trên địa bàn Hà Nội. Bởi ngoài chức năng thoát nước thải, ô nhiễm từ các dòng sông đang đè nặng lên môi trường sống, xâm nhập thô bạo đến từng hơi thở của người dân sống hai bên bờ sông, nhất là những ngày nắng nóng hoặc thời tiết chuyển mùa, các cánh cửa mở ra hướng sông nếu không vì lý do bắt buộc sẽ được đóng lại để tránh mùi.

moi-ngay-dong-song-to-lich-nhan-hon-150.000-m-nuoc-thai-sinh-hoat-va-nuoc-thai-cong-nghiep-chua-qua-xu-ly-do-thang-xuong-song.-anh-tp.jpg

Mỗi ngày dòng sông Tô Lịch nhận hơn 150.000 m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, đổ thẳng xuống sông. Ảnh: TP

Nhiều năm qua, Hà Nội vẫn đang loay hoay với các ý tưởng, dự án rầm rộ tốn kém và mang về hiệu quả khá mơ hồ. Không thể phủ nhận hiệu quả của nạo vét, khơi thông dòng chảy, kè bờ, trồng cây thủy sinh, kể cả ý tưởng dùng nước sông Hồng làm sạch nước các dòng chảy nội đô… tuy nhiên, những dự án này vẫn chỉ là một phần của giải pháp và chưa giải quyết tận gốc của vấn đề để phù hợp với đặc thù xả thải dọc hai bên bờ sông của Hà Nội.

Vì vậy, Việc Hà Nội chỉ đạo cần sớm có biện pháp nạo vét, khơi thông, xử lý ô nhiễm nguồn nước, làm sống lại các con sông cũng như quán triệt nguyên tắc không lấp hồ ao hiện có để thực hiện các dự án đầu tư khu đô thị, nhà ở, khu cụm công nghiệp nhằm đảm bảo công tác tưới tiêu, tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố và đề xuất thu gom, xử lý nước thải phân tán dọc đường thoát nước hai bên bờ cũng như đề xuất tách hệ thống thu gom nguồn nước mưa, nước thải dân sinh với xả thải công nghiệp và y tế đang được các nhà khoa học đặt kỳ vọng như một điểm sáng về giải pháp, hạn chế những dự án đầu tư tốn kém và vô nghĩa…

 

dẫn từ https://baotainguyenmoitruong.vn/