Bình Định: Thu gom, phân loại chất thải nhựa tại nguồn trong khai thác thủy sản

Vừa qua, tại Cảng cá Quy Nhơn, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản đã phối hợp với Chi cục Thủy sản và Ban Quản lý Cảng cá Bình Định tổ chức Hội thảo phân loại, hạn chế sử dụng và thu gom rác thải nhựa tại các tàu cá.

 

Tham gia Hội thảo có 20 tàu cá được lựa chọn để thực hiện mô hình, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa tại nguồn trong khai thác thủy sản. Tại Hội thảo, các ngư dân được giảng giải về tác hại của rác thải nhựa, vì sao các tàu cá phải mang rác thải về bờ, hướng dẫn phân loại rác, cách thức thu gom rác thải.

h1(1).jpg
 Hội thảo phân loại, hạn chế sử dụng và thu gom rác thải nhựa tại các tàu cá.

Theo ước tính của Chi cục Thủy sản Bình Định, tại Bình Định hiện có 5.955 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, hiện đang dẫn đầu về số lượng tàu khai thác xa bờ ở Biển Đông, phục vụ xuất khẩu với 3.243 tàu khai thác hải sản vùng khơi, chiếm 54 %.

Nếu tính bình quân 3000 tàu đánh bắt xa bờ thì sẽ có 720.000 chai nhựa thải xuống đại dương/mỗi chuyến biển kéo dài khoảng 1 tháng. Một năm bình quân các tàu khai thác tầm 9 tháng thì có khoảng 6,5 triệu chai nhựa bị vứt ra đại dương.

Ông Phan Thanh Long, chủ tàu cá BĐ-91333-TS cho biết, hiện nay tất cả các rác thải sinh hoạt, vệ sinh cá nhân của các thuyền viên trên tàu cá đánh bắt xa bờ đều thải trực tiếp xuống biển. Trước đây trên các tàu cá có trang bị thùng nước uống loại 20 lít. Tuy nhiên do tính tiện lợi tránh đổi trả hiện nay các tàu đều sử dụng nước uống đóng chai. Mỗi một chuyến biển kéo dài khoảng 20 ngày, 1 tàu trung bình có 12 thuyền viên sử dụng 40 lốc nước đóng chai (loại chai 1,5 lít). Mỗi lốc có 6 chai. Như vậy mỗi tàu sử dụng trung bình 240 chai/1 chuyến biển và các chai nhựa này sau khi dùng xong đều bị thải xuống biển.

h2(1).jpg
 Thùng dựng rác và túi dựng rác phát cho các ngư dân 

Mô hình, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa tại nguồn trong khai thác thủy sản được triển khai nhằm thay đổi dần thói quen xấu của ngư dân. Sau khi được tuyên truyền nâng cao nhận thức, các chủ tàu cá đều cam kết mang rác về bờ.

Tại Hội thảo, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản cũng đã phát thùng đựng rác và túi đựng rác cho Cảng cá Quy Nhơn và 20 chủ tàu cá được lựa chọn thực hiện mô hình. Các thùng rác đựng các loại rác thải khó phân hủy nhưng không tái chế được và túi lưới đựng các loại rác có thể tái chế. Các loại rác thải được mang vào Cảng cá Quy Nhơn và tiếp tục được thu gom xử lý. Rác thải tái chế sẽ được thu gom để bán ve chai.

h3(1).jpg
 Thùng đựng rác ở trên tàu đánh cá của ngư dân 

Với việc nâng cao nhận thức của ngư dân, cùng sự vào cuộc của cơ quan chức năng và các đơn vị có liên quan, các qui định bắt buộc đưa chất thải nhựa về bờ, kết hợp với các qui định về quản lý tàu cá hiện đại được triển khai trong thời gian tới sẽ góp phần tháo gỡ bài toán khó về vấn đề rác thải nhựa đại dương.

 

theo báo baotainguyenmoitruong.vn

QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN - Mỹ Bình - 01:56 09/07/2022