Tham gia Hội thảo có lãnh đạo Vụ Pháp chế - Bộ TN&MT; Ban Quản lý Dự án HREMRD - Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường; Sở TN&MT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cùng đại diện các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học,…
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu, phát triển khu định cư con người và sinh thái gắn kết, bền vững thông qua các can thiệp hạ tầng quy mô nhỏ ở các vùng ven biển vùng ĐBSCL” do Quỹ Thích ứng tài trợ và Chương trình Định cư Con người của Liên Hợp Quốc (gọi tắt là UN-Habitat) tại Việt Nam quản lý giám sát.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ TN&MT cho biết, ĐBSCL gồm 13 tỉnh và là khu vực sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP hàng năm. Tuy nhiên, khu vực này hiện đang chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH như sự xâm nhập mặn, xói lở bờ biển, nước biển dâng... gây những thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường, đặc biệt là các khu vực ven biển.
"Nhằm triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH và Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời hỗ trợ vùng ĐBSCL nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH, Bộ TN&MT đã phối hợp với Chương trình Định cư và Con người của Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức xây dựng và thực hiện Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu, phát triển khu định cư con người và sinh thái gắn kết, bền vững thông qua các can thiệp hạ tầng quy mô nhỏ ở các vùng ven biển ĐBSCL” thí điểm tại hai tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu"- ông Phan Tuấn Hùng cho biết thêm.
Theo đó, Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu, phát triển khu định cư con người và sinh thái gắn kết, bền vững thông qua các can thiệp hạ tầng quy mô nhỏ ở các vùng ven biển ĐBSCL” tại 02 tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu có 04 hợp phần, gồm: nâng cao năng lực thể chế và kiến thức thích ứng với BĐKH; hỗ trợ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thích ứng với BĐKH; thí điểm một số công trình hạ tầng quy mô nhỏ để thích ứng với BĐKH và truyền thông nâng cao nhận thức và quản trị tri thức.
Thời gian thực hiện Dự án 4 năm (từ 2021 - 2024) với gần 92.396 người được hưởng lợi (trong đó hưởng lợi trực tiếp là 35.347 người, gián tiếp 57.049 người); đối tượng hưởng lợi là người dân tộc thiểu số; phụ nữ, trẻ em; người nghèo, người di cư; ...
Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã giới thiệu đế các đại biểu bộ công cụ lồng ghép thích ứng BĐKH vào chiến lược, quy hoạch và kế hoạch hành động ở cấp địa phương; chia sẻ kết quả nghiên cứu về hiện trạng rủi ro và dễ bị tổn thương do BĐKH; hiện trạng về thể chế, chính sách, chương trình, năng lực thích ứng với BĐKH tại hai tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu.
Đồng thời, các đại biểu tham gia Hội thảo cũng đã trao đổi, thảo luận về triển khai lồng ghép ứng phó BĐKH và định cư sinh thái vào kế hoạch theo từng cấp dựa vào các kịch bản BĐKH và nước biển dâng đến năm 2030 tại vùng ĐBSCL nói chung, hai tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu nói riêng;...
Trích từ báo :https://baotainguyenmoitruong.vn/