Hội thảo nhằm đánh giá hiện trạng cùng những cơ hội, thách thức trong quá trình chuyển dịch năng lượng hoá thạch sang năng lượng xanh, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết, hiện nay, năng lượng xanh, còn được gọi là năng lượng tái tạo, là loại năng lượng có nguồn tài nguyên tự nhiên không giới hạn, giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường so với các nguồn năng lượng truyền thống như than và dầu mỏ, giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo, giảm rủi ro của biến động giá năng lượng và là một giải pháp quan trọng nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra trên toàn cầu.
Trong Hội nghị Liên hợp quốc về BĐKH lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị Liên hợp quốc về BĐKH và đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn.
Theo đó, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 (Chiến lược tăng trưởng xanh). Chiến lược tăng trưởng xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo theo Chiến lược đề ra cần hệ thống cung cấp năng lượng xanh với những khoản đầu tư rất lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng xanh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định.
Do đó, để góp phần đánh giá hiện trạng, cơ hội, khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh và tìm giải pháp cho phát triển năng lượng xanh , PGS.TS. Phạm Anh Tuấn mong muốn Hội thảo nhận được nhiều góp ý, trao đổi từ đông đảo đại diện, các chuyên gia, nhà khoa học từ nhiều viện nghiên cứu, cũng như từ các Bộ ngành liên quan.
TS. Vũ Minh Pháp – Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, việc đã tham gia hệ thống trao đổi hạn ngạch (ETS) có thể giúp các tập đoàn dầu khí cắt giảm lượng phát thải tương đối, như đốt bỏ khí tự nhiên. Cụ thể như Tập đoàn dầu khí đa quốc gia (Shell), đã áp dụng ETS từ đầu những năm 2000.
Theo TS. Pháp, các doanh nghiệp dầu khí tại Việt Nam có thể xây dựng một lộ trình để triển khai và ngừng vận hành hệ thống ETS nội bộ, khi đánh giá được các đơn vị thành viên đã đủ kinh nghiệm để tham gia thị trường carbon bắt buộc, giúp tối ưu hóa quá trình chuyển đổi và đảm bảo sự liên tục trong việc quản lý phát thải KNK.
Trên bình diện vĩ mô, TS. Vũ Minh Pháp đề xuất giải pháp tham gia thị trường carbon cho ngành dầu khí Việt Nam, thông qua việc đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC; Quản lý kiểm kê và phát thải khí nhà kính (KNK); Định mức phát thải, hạn ngạch phát thải và phân bổ hạn ngạch; Thị trường carbon và sự khác nhau giữa các thị trường.
Tiếp nối chủ đề thảo luận về tiềm năng phát triển các ngành kinh tế xanh tại Việt Nam, TS. Hà Huy Ngọc – Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Việt Nam có 3 nhóm lĩnh vực thiết yếu, trọng điểm tiềm năng giúp tăng trưởng xanh gồm có: Năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió và mặt trời; Hệ sinh thái Hydro sạch; Giao thông vận tải đường bộ và Logistics xanh.
Qua đó, để phát triển hiệu quả 3 lĩnh vực trọng tâm đã đề ra, TS. Hà Huy Ngọc đưa ra lộ trình thực hiện, thông qua xây dựng chiến lược quốc gia cho nhóm 3 ngành, lĩnh vực xanh trọng yếu trên, và cần sự đồng hành của một cơ quan liên Bộ đóng vai trò dẫn dắt, triển khai các chiến lược ngành này; các dự án cũng cần tăng tốc chiến lược tăng trưởng xanh cần được triển khai ở cấp tỉnh và thành phố; các Bộ, ngành và cơ quan liên quan cần phối hợp triển khai hoàn thiện một hệ thống phân loại xanh quốc gia toàn diện, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống phân loại nên bao gồm danh sách chi tiết các chủ đề, lĩnh vực và dự án phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh.
Cùng với đó, việc xây dựng các cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ các dự án xanh là điều cần thiết để Việt Nam tăng tốc trong việc thu hút đầu tư cho các dự án xanh, đặc biệt là trong các dự án đòi hỏi mức đầu tư ban đầu cao, do quy mô và độ phức tạp của các công nghệ mới; và ứng dụng mô hình dự án thí điểm cho các lĩnh vực kinh tế xanh trọng điểm dựa trên đối chuẩn quốc tế, nhằm thử nghiệm và hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ liên ngành và thu hút vốn FDI.
Đồng thời, cần đặt ưu tiên những lĩnh vực ưu tiên ban đầu và ứng dụng công nghệ mới, như công nghệ lưu giữ carbon trong các ngành sản xuất năng lượng và công nghiệp, hoặc các lĩnh vực cần ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp và lâm nghiệp.
Trong Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận tích cực đến từ các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong việc đưa ra các giải pháp và đề xuất mang tính then chốt cho công cuộc tái tạo năng lượng, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
dẫn từ baotainguyenmoitruong.vn