(TN&MT) - Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ TN&MT đối với Tổng cục KTTV tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 và nhiệm vụ năm 2022 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ TN&MT, chiều 18/5 tại Hà Nội.
Cùng dự có ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ TN&MT; ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ TN&MT; đại diện lãnh đạo Ủy Ban quốc gia Ứng phó dự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ đội Biên phòng, Tập đoàn Viettel, Viện Vật lý địa cầu, Đài Truyền hình Việt Nam...
Theo dõi và dự báo 8 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới
Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, Ban Chỉ huy đã chỉ đạo Tổng cục KTTV nghiên cứu sửa đổi và trình ban hành Quyết định quy định về dự báo, cảnh báo thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai. Đồng thời, trình ban hành Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của Bộ đã chủ động chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi và dự báo 8 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới; 18 đợt không khí lạnh; 11 đợt nắng nóng trên diện rộng; 29 đợt mưa lớn trên diện rộng; 7 đợt lũ trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, 9 đợt mưa, lũ diện rộng khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, đặc biệt là trận mưa, lũ lớn từ ngày 27/11 - 2/12, trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên gây thiệt hại nhiều về người và tài sản.
Trong các tháng đầu năm 2022, mặc dù, chưa bước vào mùa mưa bão nhưng thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện như: Đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19-24/2/2022 tại các tỉnh miền Bắc, đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất trong 40 năm so với cùng thời kỳ; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn trái quy luật, kèm theo dông lốc, sóng lớn từ ngày 30/3-2/4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà với tổng lượng mưa từ 200-600mm, trong đó có nơi mưa đặc biệt lớn như tại Khe Tre (T.T.Huế) 835mm (là đợt mưa là kỷ lục trong 60 năm so với cùng thời kỳ). Đợt mưa, lũ từ đêm 9-10/5, tại khu vực Lạng Sơn, Quảng Ninh và Bắc Cạn có mưa rất to, lượng mưa phổ biến đạt từ 200-300mm. Những đợt mưa, lũ này đã gây thiệt hại lớn cả về người và tài sản ở nhiều địa phương trên cả nước.
Ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh, trước mỗi đợt thiên tai, Ban Chỉ huy đã chỉ đạo Tổng cục KTTV nhận định sớm về các hiện tượng KTTV nguy hiểm và gửi công văn thông báo đến Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, các Bộ, ngành và địa phương để nắm bắt thông tin kịp thời có kế hoạch phòng chống. Cụ thể, đợt thiên tai gió mạnh, sóng lớn từ ngày 25-26/2 (đợt thiên tai gây nên sự cố chìm tàu tại Quảng Nam), các bản tin đã được ban hành sớm từ ngày 23/5 và đều dự báo thời tiết vùng biển Quảng Nam có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp trên cấp 6. Tầm nhìn xa giảm xuống 4-10km; Sóng biển cao: 1,5-2,5m; Tình trạng biển: Biển động. Đặc biệt, các bản tin đều đề nghị các đơn vị chức năng thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển Quảng Nam có biện pháp phòng tránh gió mạnh và sóng biển cao.
Ngoài các bản tin theo quy định, công tác dự báo chuyên đề phục vụ sự kiện của đất nước hay phục vụ các nhiệm vụ đột xuất như phục vụ tìm kiếm cứu nạn vụ chìm tàu ở Quảng Nam, phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (Seagame 31)… đã được thực hiện; các thông tin dự báo, cảnh báo đã được truyền tải tới người dùng bằng nhiều hình thức như Facebook, Zalo, App...
Nâng cao chất lượng dự báo
Nhận định xu thế thiên tai 6 tháng cuối năm 2022, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, chuẩn sai nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2022 được dự báo tiếp tục tăng, từ 0,97 độ C đến 1,21độ C so với giá trị trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900) và có thể là năm thứ tám liên tiếp có nhiệt độ đã vượt quá 1,0 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp.
Dự báo ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến các tháng đầu mùa đông năm 2022, xác suất khoảng 55-65%, trước khi chuyển sang pha trung tính. Trong những năm La Nina, cần lưu ý đề phòng mưa lớn cực đoan ở khu vực Tây Thái Bình Dương trong đó có các nước Đông Nam Á và Việt Nam.
Ông Mai Văn Khiêm nhận định, bão và ATNĐ từ tháng 5-7/2022, có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN), sau đó, từ tháng 8-11/2022 có khả năng ở mức xấp xỉ so với TBNN. Từ nay đến cuối năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng từ 4-6 cơn, thấp hơn đến xấp xỉ so với TBNN (TBNN khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp khoảng từ 5-7 cơn). Đề phòng bão xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh xảy ra trong những tháng cuối năm.
Trong các tháng mùa mưa bão, lượng mưa tại Bắc Bộ có xu hướng cao hơn TBNN từ tháng 7-9/2022. Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với TBNN từ tháng 6-9/2022. Từ khoảng tháng 10-11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng gia tăng lượng mưa. Cảnh báo nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập tại các tỉnh miền Trung trong tháng 10-11/2022.
Khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa dự báo cao hơn TBNN trong các tháng 10 đến tháng 11/2022, đề phòng khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn gây lũ và ngập lụt trong giai đoạn này.
“Nắng nóng xuất hiện muộn so với mọi năm. Dự báo có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021”, ông Mai Văn Khiêm nhận định.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành nhấn mạnh, thiên tai năm 2021 không khốc liệt như năm 2020, nhưng được xem là một năm có diễn biến thiên tai khá phức tạp, với 18/22 loại hình thiên tai đã xuất hiện; trong năm, cũng đã xảy ra 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, hơn 40 đợt mưa lũ lớn diện rộng, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Công tác dự báo KTTV năm qua đã luôn đảm bảo sớm, kịp thời, mức độ chính xác cao hơn; thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của Bộ đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động tham mưu, phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả nhiệm vụ.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ TN&MT, các đơn vị trực thuộc Bộ cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế để thực hiện tốt các nội dung đã được phân công tại Kế hoạch PCTT&TKCN của Bộ.
Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục KTTV tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin về thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó; tiếp tục rà soát, kiểm tra toàn bộ phương tiện, máy móc, trang thiết bị, thông tin liên lạc, đảm bảo quan trắc, đo đạc đầy đủ, kịp thời, thông suốt trong mọi tình huống; hoàn thiện các phương án, công cụ dự báo khí tượng thủy văn, các phương án phục vụ phòng, chống thiên tai tại các đơn vị trực thuộc.
Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa bản tin dự báo thời tiết nguy hiểm đến từng địa phương, đặc biệt là cụ thể hóa dự báo tác động của thiên tai đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai. Chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản để đẩy mạnh công tác nghiên cứu các phương pháp, mô hình cảnh báo lũ quét, sạt lở đất có độ tin cậy cao hơn, chi tiết hơn.
Các đơn vị khác trực thuộc Bộ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được phê duyệt thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP, Nghị quyết số 120/NQ-CP và Quyết định số 705/QĐ-TTg. Trong đó, các Đài KTTV khu vực bám sát lãnh đạo các địa phương, để thông tin dự báo đến kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác phòng tránh, ứng phó của địa phương.
Công tác vận hành liên hồ chứa, đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước tổng hợp, đề xuất sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa khu vực miền Trung; tăng cường giám sát các hồ chứa đảm bảo thực hiện đúng quy trình; cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu về vận hành hồ chứa phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
Nhiên tai năm 2021 tại Việt Nam không diễn ra khốc liệt, dị thường như năm 2020 nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Trong năm, đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, trong đó, có 12 cơn bão và ATNĐ; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm/572km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nhất là ở khu vực ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Thiên tai năm qua, đã làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng (giảm nhiều so với năm 2020 và các năm trước đó).
Theo báo https://baotainguyenmoitruong.vn